Trong thời đại 4.0 hiện nay khi nền công nghiệp hiện đại và trí tuệ nhân tạo được đề cao, tốc độ phát triển kinh tế như vũ bão đã làm cho đời sống con người được nâng cao lên một tầm mới thì vấn đề giáo dục lại càng được xã hội quan tâm hơn bao giờ hết. Và câu hỏi được đặt ra là làm thế nào để trẻ phát triển toàn diện để hội nhập được với xu thế toàn cầu hóa hiện nay là điều được rất nhiều các bậc phụ huynh quan tâm. Vậy cha mẹ bé hãy cùng tìm hiểu “5 lĩnh vực phát triển của trẻ mầm non” theo thông tư 17/2009 của Bộ Giáo dục và Đào tạo để có thể giúp các con sẵn sàng chuẩn bị cho mình một hành trang thật vững chắc nhé!
1. Lĩnh vực phát triển thể chất cho trẻ mầm non:
Sức khoẻ là một trong những lĩnh vực đầu tiên làm nền tảng quan trọng giúp trẻ mầm non phát triển tốt trong tương lai. Chính vì vậy, bố mẹ nên chú trọng rèn luyện thể chất cho bé để nâng cao thể trạng giúp bé cao lớn, cứng cáp và khỏe mạnh hơn. Một đứa trẻ khỏe mạnh sẽ có cân nặng và chiều cao phát triển đạt chuẩn theo lứa tuổi, thực hiện tốt các kỹ năng vận động cơ bản của độ tuổi theo chương trình Giáo dục Mầm non và các tố chất trong vận động:
+ Trẻ kiểm soát được và phối hợp tốt việc vận động các nhóm cơ lớn, cơ nhỏ.
+ Trẻ phối hợp tốt các giác quan và giữ thăng bằng khi vận động.
+ Trẻ định hướng tốt trong không gian và kiểm soát được vận động khi thay đổi hướng.
+ Trẻ thể hiện sức mạnh, sự dẻo dai của cơ thể và vận động nhanh nhẹn khéo léo trong các bài tập tổng hợp và các vận động chạy.
+ Trẻ biết xem trọng sự tham gia và hợp tác với nhóm bạn trong hoạt động. Biết tuân thủ luật chơi, trẻ thể hiện sự tự tin khi tham gia vào các hoạt động thể chất và có tâm lý mạnh dạn khi chơi các trò chơi dưới nước.
Để phát triển thể chất cho trẻ mầm non, bố mẹ nên tham khảo và thực hiện một số phương pháp sau:
– Xây dựng thực đơn dinh dưỡng đủ chất cho tất cả các bữa hàng ngày, đặc biệt nên bổ sung thêm các loại vitamin, khoáng chất cần thiết giúp trẻ tăng sức đề kháng.
– Bố mẹ nên dành thời gian cho con đến các trung tâm vui chơi hoặc tham gia môn thể thao như: Xe đạp, đá bóng, cầu lông,… Phương pháp này giúp con rèn luyện cơ thể mỗi ngày.
– Lựa chọn những món quà thể thao: Xe đạp, giày patin, quả bóng, bộ vợt cầu lông, … nhằm tạo động lực và hứng thú cho con về việc vận động.Cho con tham gia các khóa học thể dục, thể thao phù hợp với thể trạng: Bơi lội, cầu lông, các môn võ Takewondo,…
Hoạt động thể dục nhằm phát triển thể chất cho trẻ
2. Lĩnh vực phát triển nhận thức của trẻ mầm non
Ở lứa tuổi mầm non, trẻ bắt đầu có nhận thức về mọi thứ diễn ra xung quanh mình. Vì thế, bố mẹ cần chú trọng giúp con phát triển nhận thức. Đây là một trong 5 lĩnh vực phát triển quan trọng của trẻ mầm non. Trong độ tuổi này trẻ rất hay tò mò, tìm hiểu, khám phá và trao đổi với người lớn, với bạn về các sự vật hiện tượng xung quanh. Từ đó giúp trẻ phát triển các kỹ năng quan trọng như quan sát, so sánh, phán đoán trong hoạt động nhận thức về môi trường. Trẻ cũng có khả năng phát hiện mối quan hệ đơn giản của sự vật, hiện tượng và biết cách giải quyết vấn đề đơn giản theo những cách khác nhau. Ngoài ra trẻ còn biết thể hiện sự hiểu biết về đối tượng bằng các cách khác nhau, về môi trường tự nhiên và môi trường xã hội, khả năng suy luận và sáng tạo. Bước đầu có những hiểu biết về một số khái niệm sơ đẳng về toán học:
+ Trẻ nhận biết được số đếm, số lượng, hình dạng (hình hình học, hình khối) và đo lường.
+ Trẻ có biểu tượng về số, thực hiện cộng trừ trong phạm vi 10…
+ Nhận ra quy tắc sắp xếp đơn giản và biết thực hiện theo quy tắc.
+ Trẻ xác định được các vị trí trong không gian.
+ Trẻ cảm nhận tốt về thời gian.
Vì vậy để giúp trẻ phát triển nhận thức tốt, bố mẹ có thể tham khảo một số phương pháp sau:
– Hướng dẫn trẻ nhận biết các chủ đề gần gũi xung quanh như: bộ phận cơ thể, đồ vật trong nhà hoặc rau quả…
– Dạy trẻ nhận biết các con số, chữ cái, thời gian…
– Giúp trẻ phân biệt được các hiện tượng thời tiết tự nhiên: mưa, nắng, gió, tuyết…
– Dạy trẻ nhận biết và phân biệt các loại động vật trong tự nhiên.
Trẻ thực hành cân đo làm quen với các con số, đồ vật
3. Lĩnh vực phát triển ngôn ngữ của trẻ mầm non
Ngoài phát triển về thể chất và nhận thức, việc phát triển ngôn ngữ cho trẻ mầm non cũng được nhiều bậc phụ huynh lưu tâm. Khi trẻ phát triển tốt về ngôn ngữ, con sẽ tự tin hơn trong giao tiếp, biết cách truyền đạt thông tin mạch lạc và thể hiện được ý kiến cá nhân. Trẻ có khả năng sử dụng tốt lời nói để biểu lộ cảm xúc, ý nghĩ và giao tiếp hiệu quả, có văn hoá trong cuộc sống hàng ngày. Và khi đứng trước đám đông trẻ sẽ có sự tự tin khi nói hay kể lại một sự kiện, một câu chuyện một cách rõ rang, mạch lạc. Ở lứa tuổi mầm non sẽ có một số hành vi ban đầu của việc đọc như tỏ ra hứng thú đối với việc đọc hoặc có những hành vi đọc phù hợp với độ tuổi. Trẻ có khả năng nhận diện âm, phát đúng âm, ghép vần chữ cái và biết cách đọc sách, biết tập đồ chữ, số, sao chép hoặc viết được chữ cái, từ đã học. trẻ học cách cầm bút và rèn tư thế đúng khi ngồi viết.
Bố mẹ có thể áp dụng các phương pháp sau để giúp trẻ phát triển kỹ năng ngôn ngữ:
- Mua sách với nội dung nhiều hình ảnh để trẻ có hứng thú đọc sách.
- Để trẻ tham gia các buổi ngoại khóa liên quan đến kịch nói, hùng biện, cắm trại… nhằm tạo cơ hội giao tiếp cũng như trau dồi vốn từ cho con.
- Cho trẻ xem những bộ phim ngắn, hoạt hình phù hợp với lứa tuổi.
Trẻ kể chuyện sáng tạo phát triển ngôn ngữ, tư duy
4. Lĩnh vực phát triển tình cảm và kỹ năng cho trẻ mầm non
Trong 5 lĩnh vực phát triển của trẻ mầm non, việc phát triển tình cảm giúp con thiết lập các mối quan hệ với người thân thêm gắn bó. Được giáo dục về khía cạnh này giúp trẻ dễ dàng bộc lộ cảm xúc bản thân và biết cách quản lý, kiềm chế cảm xúc. Trẻ có thể nhận thức được về bản thân mình, về sự khác biệt của bản thân mình với các bạn khác. Biết thể hiện cảm xúc riêng của bản thân , tình cảm với con người, sự vật, hiện tượng xung quanh mình, biết kiềm chế cảm xúc tiêu cực và có khả năng điều chỉnh hành vi phù hợp với hoàn cảnh. Trong ứng xử xã hội trẻ có các hành vi thích hợp, biết thể hiện sự tôn trọng với người khác, biết quan tâm bảo vệ môi trường sống xung quanh.
Để giúp trẻ phát triển tốt về mặt tình cảm, bố mẹ có thể áp dụng những phương pháp giảng dạy sau:
– Thường xuyên gần gũi, trò chuyện với con về những vấn đề xung quanh cuộc sống. Điều này còn tạo thêm niềm tin, gắn bó tình cảm gia đình, thầy cô và bạn bè.
– Khuyến khích con tham gia các hoạt động tình nguyện giúp trẻ hiểu được giá trị cuộc sống. Từ đó, trẻ dần hình thành ý thức giúp đỡ người khác, tạo sự gắn kết với những người xung quanh.
5. Lĩnh vực phát triển thẩm mỹ cho trẻ mầm non
Thẩm mỹ là lĩnh vực cuối cùng trong 5 lĩnh vực phát triển của trẻ mầm non. Khi trau dồi, phát triển khả năng thẩm mỹ, trẻ có thể nhận biết được những điều hay, điều đẹp diễn ra trong cuộc sống xung quanh. Phát triển thẩm mỹ cho trẻ mầm non mang lại niềm cảm hứng cho trẻ khi tham gia các hoạt động nghệ thuật, đánh thức đam mê ở trẻ. Ngoài ra, với kiến thức về thẩm mỹ, trẻ dễ dàng sáng tạo, rèn luyện trí tưởng tượng phong phú khi tham gia các hoạt động về nghệ thuật. Trẻ có khả năng cảm nhận, thể hiện cảm xúc trước vẻ đẹp trong thiên nhiên và cuộc sống. Trong các hoạt động nghệ thuật trẻ thể hiện sự yêu thích, hào hứng khi tham gia và có một số kĩ năng trong hoạt động âm nhạc (nghe, hát, vận động theo nhạc) hoặc hoạt động tạo hình (vẽ, nặn, cắt, xé dán, xếp hình).
Bố mẹ có thể áp dụng các phương pháp sau nhằm giúp trẻ mầm non phát triển về mặt thẩm mỹ:
– Khuyến khích trẻ tiếp xúc với nhiều loại hình nghệ thuật: vẽ tranh, đọc thơ, múa hát, chơi nhạc cụ, kể chuyện, tạo hình,…
– Dạy trẻ cách quan sát và tiếp xúc môi trường thiên nhiên. Đây sẽ là nguồn cảm hứng tuyệt vời giúp trẻ phát triển thẩm mỹ.
Hoạt động âm nhạc nhằm phát triển thẩm mỹ cho trẻ
Trên đây là 5 lĩnh vực phát triển của trẻ mầm non trong chương trình giáo dục tiêu chuẩn. Việc đánh giá sự phát triển của trẻ mầm non cần dựa trên cả 5 lĩnh vực, khi đó trẻ mới phát triển toàn diện. Hy vọng rằng với bài viết này sẽ là một cẩm nang nhỏ cho phụ huynh trong việc chăm sóc giáo dục trẻ để cùng phối kết hợp với nhà trường ươm mầm những mầm non tài năng – chủ nhân tương lai của đất nước.
Lưu Việt An là một tác giả và chuyên gia tư vấn giáo dục với hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tư vấn tuyển sinh đại học và sau đại học. Ông đã tốt nghiệp Cử nhân Kinh tế tại Đại học Kinh tế Quốc dân và hiện là cố vấn chính cho một trung tâm tư vấn giáo dục hàng đầu tại Hà Nội. Lưu Việt An được biết đến như là người có đóng góp lớn vào việc giúp hàng nghìn học sinh và phụ huynh tìm ra con đường học tập phù hợp và thành công. Đọc tiếp!