Phụ Huynh Nên Chuẩn Bị Gì Cho Trẻ Trước Khi Vào Lớp 1

Vào học lớp 1 là bước ngoặt, là sự chuyển đổi qua một giai đoạn mới đối với trẻ nên việc chuẩn bị tâm thế sẵn sàng cho trẻ vào lớp 1 là vô cùng quan trọng.

Ở trường mầm non, trẻ tham gia các hoạt động giáo dục (HĐGD)chủ yếu theo nhu cầu, hứng thú của bản thân dưới định hướng, dẫn dắt, động viên, khích lệ của giáo viên. Bước sang môi trường tiểu học, học là hoạt động chủ đạo và bắt buộc, các em phải hoàn thành các nhiệm vụ học tập theo tiến độ của cả lớp. Ở lớp 1, học sinh phải đến lớp đúng giờ, thầy, cô giáo không có nhiều thời gian chăm bẵm từng em vì phải điều hành lớp học hoàn thành chương trình các môn học theo đúng tiến độ; phải đánh giá, nhận xét từng học sinh để có phương pháp phù hợp nhằm đạt mục tiêu về kiến thức, kĩ năng, thái độ của từng tiết học, môn học cho tất cả các em học sinh trong lớp. Nói cách khác, chấp hành nội quy, quy định nhà trường, thiết lập quan hệ với giáo viên, hoàn thành các bài tập khi ở lớp, khi về nhà… đó là những khó khăn đối với trẻ khi bắt đầu đi học lớp 1.

Vì vậy, việc chuẩn bị tâm thế cho trẻ vào lớp 1 là rất cần thiết, giúp trẻ bước sang một giai đoạn mới bớt bỡ ngỡ và hoàn thành tốt các nhiệm vụ của bản thân. Đó là một trong nhiệm vụ quan trọng của trường mầm non, của giáo viên dạy các lớp 5 tuổi. Thông qua, xây dựng kế hoạch giáo dục, thiết kế các HĐGD theo hướng “học bằng chơi, chơi mà học” giúp trẻ phát triển tốt về thể chất, ngôn ngữ, nhận thức, tình cảm kỹ năng xã hội và có tâm lý vững tin sẵn sàng bước vào lớp 1.

1. Trang bị cho trẻ những kỹ năng cần thiết

Thông qua các HĐGD, những bài học thực tế, trò chơi phù hợp với nhận thức của trẻ, giáo viên mầm non hình thành và tổ chức cho trẻ rèn luyện các kĩ năng để trẻ chủ động làm quen với môi trường mới như:

Kỹ năng tự lập: Tự chuẩn bị sách vở, đồ dùng, quần áo, tự đi vệ sinh; hướng dẫn trẻ giúp cô giáo thực hiện việc dọn dẹp đồ chơi, học liệu thu dọn bát, dĩa sau khi ăn; giúp bố mẹ làm việc nhà…

Kỹ năng giao tiếp: Thông qua các hoạt động giao lưu ngoài lớp học như tham quan, dã ngoại, tiệc buffet, trò chơi dân gian, câu lạc bộ múa, vẽ… và thông qua hoạt động nhóm trong tổ chức các HĐGD giúp trẻ có kĩ năng kết bạn, trò chuyện với các bạn, thầy cô và mọi người xung quanh. Chuẩn bị cho trẻ các hành vi ứng xử phù hợp với từng mối quan hệ với thầy cô, bạn bè, bố mẹ, anh chị em. Giáo dục trẻ tạo dựng mối quan hệ tốt đẹp với bạn bè, cô giáo và những người lớn khác trong trường mầm non; giúp trẻ có những hiểu biết chính xác về trường tiểu học, về các mối quan hệ giữa bạn bè, thầy cô giáo ở trường tiểu học từ đó kích thích lòng mong mỏi, háo hức được đến trường học của trẻ.

Xem tiếp  Vai Trò Của Cha Mẹ Đối Với Giáo Dục Nhân Cách Cho Con Cái

Kỹ năng thể hiện bản thân: Trong các HĐGD giáo viên nên tạo cơ hội để trẻ được mạnh dạn thể hiện quan điểm, suy nghĩ của bản thân; biết cách nói ra nhu cầu của bản thân hay mong muốn khi cần sự hỗ trợ của cô giáo, bạn bè; biết tự lựa chọn hình thức, cách thức khi tham gia các HĐGD nhằm phát triển tính tự tin, tự lực và sáng tạo của trẻ.

Kỹ năng bảo vệ bản thân: Đưa racác tình huống mà các em có thể gặp phải ở trường sau đó tổ chức cho trẻ thảo luận về các cách xử lý các tình huống.

Tính kỷ luật: Thống nhất với phụ huynh cố gắng đưa con đến lớp đúng giờ để tạo thói quen chấp hành giờ giấc, quy định của nhà trường. Trong các hoạt động phải yêu cầu trẻ chú ý nghe giáo viên gợi ý, góp ý; tạo cho trẻ biết phân biệt giữa giờ giải lao, thư giãn và giờ học; hướng dẫn và yêu cầu trẻ xếp hàng… Tóm lại, giáo viên dần dần đưa trẻ vào các hoạt động có nề nếp, giờ nào việc nấy vì trẻ phải hiểu được rằng ở nhà trường sẽ có quy tắc nhất định mà tất cả mọi người đều phải thực hiện.

Những kỹ năng này không phải ngày một ngày hai có thể có mà phải là sự rèn luyện của cả một quá trình. Chính vì vậy, để chuẩn bị tốt cho trẻ vào lớp 1 giáo viên phải phối hợp với bố mẹ trẻ sớm có kế hoạch giúp trẻ hình thành các kỹ năng.

2. Trang bị cho trẻ về thể lực, trí tuệ, tâm lý cho trẻ 5 tuổi

* Chuẩn bị về mặt thể lực:

Để trẻ có một cơ thể khỏe mạnh, có độ dẻo dai và có khả năng chống lại sự mệt mỏi của mắt, thần kinh; đôi bàn tay có một sự khéo léo; các giác quan có độ nhạy cảm nhất định, giáo viên dạy lớp 5 tuổi phải thực hiện đúng lịch sinh hoạt được quy định trong Chương trình GDMN; đảm bảo cho trẻ có một chế độ ăn uống, sinh hoạt, nghỉ ngơi điều độ; dạy trẻ rèn luyện một cách khoa học và hợp lý cả về thời gian lẫn phù hợp với đặc điểm phát triển riêng của từng trẻ. Phối hợp tốt với Trạm y tế xã, phường tổ chức khám sức khỏe định kỳ, cân nặng, đo chiều cao, lập biểu đồ tăng trưởng để có sự tư vấn kịp thời với phụ huynh và điều chỉnh cách chăm sóc phù hợp.

Xem tiếp  Lợi Ích Của Của Hiệu Quả Giáo Dục Trong Bậc Học Mầm Non

* Chuẩn bị về mặt phát triển trí tuệ, ngôn ngữ:

Thông qua các HĐGD, trẻ 5 tuổi ở trường mầm non phải được trang bị các kiến thức cơ bản, hiểu biết về bản thân, gia đình, môi trường xung quanh, định hướng về không gian, thời gian, các hiện tượng tự nhiên…; có các kĩ năng thực hiện hoạt động trí óc như biết: so sánh, phân tích, tổng hợp,… Đó chính là hành trang, là vốn hiểu biết rất cần thiết để trẻ bước vào lớp 1 tự tin và vững vàng.

Bên cạnh đó, việc chuẩn bị cho trẻ vốn từ ngữ nhất định, rèn luyện kĩ năng sử dụng linh hoạt từ ngữ trong giao tiếp giúp trẻ trình bày rõ ràng suy nghĩ, nhận định hoặc bày tỏ tình cảm của bản thân. Đối với trẻ 5 tuổi để giúp ích cho việc học tốt môn tiếng Việt ở lớp 1, giáo viên cần tổ chức các hoạt động nghe – nói như cho trẻ phát âm các chữ cái, nghe và hiểu nghĩa của từ, thể hiện cử chỉ, điệu bộ, nét mặt phù hợp với yêu cầu, hoàn cảnh giao tiếp. Bên cạnh đó, chuẩn bị cho việc đọc – viết bằng cách cho trẻ tiếp xúc với chữ viết trong môi trường xung quanh, nhận dạng và phát âm các chữ cái, tô chữ cái, từ; xem và nghe đọc các loại sách cũng rất quan trọng.

Cho trẻ làm quen với cách đọc, hướng đọc (đọc từ phải sang trái, từ dòng trên xuống dòng dưới) thông qua “đọc” truyện qua các tranh vẽ, nghe cô giáo đọc diễn cảm… Cần lựa chọn những sách có hình ảnh sinh động ngoài bìa nhằm gây hứng thú cho trẻ đối với sách. Trẻ nhận ra các từ mới trong truyện, mong muốn được đọc truyện. Thông qua việc đọc sách, trẻ khám phá các ký hiệu và mẫu chữ khác nhau, kích thích sự tò mò tìm hiểu từ và chữ.

Giáo viên tổ chức các hoạt động tập tô, tập vẽ giúp trẻ làm quen với các nét cơ bản của chữ viết tiếng Việt và biết cách đưa nét tạo thành chữ viết. Chơi các trò chơi luyện ngón tay nhằm rèn luyện vận động của các cơ nhỏ và sự khéo léo của các ngón tay, sự phối hợp tay, mắt như chơi buộc dây, cài cúc, xếp hột hạt, chơi lăn bóng, chuyền bóng, ném trúng đích,…

* Chuẩn bị tâm lý vững vàng cho trẻ:

Đa số trẻ khi lên cấp tiểu học đều có tâm lý lo sợ, bỡ ngỡ và e ngại khi phải chuyển sang một môi trường mới, lạ lẫm, khác biệt so với trường mầm non nên việc chuẩn bị tâm lý thoải mái và sẵn sàng cho trẻ là vô cùng quan trọng và cần thiết. Một tâm lý vững vàng sẽ giúp trẻ xóa tan những âu lo, vui vẻ hòa nhập với môi trường mới, háo hức khi bắt đầu được học với thầy cô giáo tiểu học.

Xem tiếp  Chương Trình Giáo Dục Mầm Non Tại Trường Quốc Tế Việt Úc (VAS)

Tư vấn cho bố mẹ trẻ hãy dành thời gian trò chuyện với con về những thay đổi cũng như những niềm vui mà trường tiểu học mang đến như: vào lớp 1, con sẽ có cơ hội gặp gỡ nhiều bạn bè mới, thầy cô giáo mới; con được học hỏi nhiều điều thú vị, có những trải nghiệm đáng nhớ… Tuyệt đối không nên mang các hình phạt hoặc thầy cô giáo ra để dọa nạt trẻ, khiến trẻ hình thành tâm lý sợ trường lớp. Hãy mang đến cho con những hình dung gần gũi nhất và chân thực nhất về mái trường tiểu học. Cứ thế, sự phối hợp tốt giữa trường mầm non và bố mẹ trẻ sẽ tạo cho trẻ sự háo hức, chờ đón được bước chân vào mái trường tiểu học vì ở đó sẽ có bao điều thú vị đang chờ đón các con.

Trường mầm non cần chủ động phối hợp với trường tiểu học trên địa bàn tổ chức cho trẻ tham quan, trải nghiệm với môi trường và một số hoạt động ở trường tiểu học; tổ chức giao lưu, tọa đàm giữa giáo viên dạy lớp 5 tuổi với giáo viên dạy lớp 1 để cùng trao đổi, nắm bắt tâm lý, nhận thức trẻ và phương pháp, hình thức tổ chức giáo dục, dạy học ở mỗi cấp để mỗi giáo viên tự điều chỉnh phương pháp, hình thức tổ chức giáo dục, dạy học phù hợp giúp trẻ bớt bỡ ngỡ khi mới bước vào lớp 1.

Việc chuẩn bị sẵn sàng cho trẻ vào lớp 1 là cả một quá trình; là nhiệm vụ của giáo viên, nhà trường và gia đình, song hình thức phải phù hợp với đặc điểm nhận thức, tâm sinh lý trẻ để trẻ bước vào lớp 1 một cách tự nhiên, vui vẻ và háo hức./.

Bài viết liên quan