Giáo dục trẻ là hành trình đầy rẫy khó khăn và đòi hỏi rất nhiều sự kiên nhẫn của các cha mẹ. Mỗi đứa trẻ khi sinh ra đều mang thân hình nhỏ bé, mềm mại với trí tuệ ngây ngô nhất. Nhưng điều đó không có nghĩa là trẻ hoàn toàn không biết gì.
Trẻ hoàn toàn có thể cảm nhận được thế giới xung quanh mình dù bước đầu lạ lẫm. Với bản năng vốn có của một con người, trẻ nhanh chóng thích nghi và nhận biết được người thân, môi trường sống quen thuộc từ rất sớm.
Tầm quan trọng của việc giáo dục nhân cách và lối sống cho trẻ
Mối cá nhân là một tế bào của xã hội. Mỗi gia đình là một tập hợp các tế bào trưởng thành và tế bào mới được tạo ra. Khi mỗi tế bào khỏe mạnh thì cả cơ thể sẽ khỏe mạnh. Vì thế, khi mỗi cá nhân trở thành người tốt thì xã hội sẽ trở nên văn minh hơn.
Nhân cách là tập hợp những nhận thức. hiểu biết, nguyên tắc, niềm tin của con người về chính bản thân mình, quy định những hành vi mang ý nghĩa với xã hội. Mỗi con người đều có nhân cách và lối sống riêng nên giá trị cốt lõi của mỗi người cũng khác nhau. Tuy vậy, những nguyên tắc cơ bản để đánh giá một người có nhân cách tốt hay không, lối sống có đẹp hay không vẫn được hình thành trong văn hoá cộng đồng.
Để đạt được kết quả mong đợi rằng trong xã hội sẽ tồn tại nhiều những cá nhân có nhân cách cũng như lối sống tốt đẹp, sự giáo dục thủa ấu thơ đóng vai trò rất quan trọng. Danh sĩ Thân Nhân Trung đã từng có một câu nói nổi tiếng: “Hiền tài là nguyên khí quốc gia”. Sự nghiệp giáo dục không chỉ dừng lại ở tài năng của con người, mà còn là sự nỗ lực hoàn thiện nhân cách và lối sống đúng đắn.
Người ta không thể uốn nắn cái cây trưởng thành một cách dễ dàng, nhưng thực hiện điều đó với một cây non lại dễ dàng hơn nhiều. Chính vì lẽ đó, sự giáo dục nhân cách cũng như lối sống cho trẻ trong những năm đầu đời là điều vô cùng cần thiết. Giai đoạn hiệu quả nhất để thực hiện các hoạt động giáo dục đó cho trẻ là 0-3 tuổi.
Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ luôn là những cá thể non nớt trong mắt của gia đình và xã hội. Thế nhưng, điều đó không có nghĩa là trẻ không biết gì. Trong con trẻ vẫn tồn tại bản năng đặc trưng của con người giúp trẻ thích nghi với đời sống cộng đồng. Trẻ có thể nhận biết ý muốn của những người xung quanh thông qua việc quan sát cử chỉ, thái độ ngay từ khi chỉ vài tháng tuổi.
Trẻ được sinh ra với cơ thể độc lập, bộ não độc lập nên đương nhiên trẻ sẽ có những nhu cầu, cá tính riêng của mình. Bản năng sẽ chỉ dẫn cho trẻ biết những kỹ năng mình cần học ở mỗi giai đoạn là gì và trẻ sẽ không ngừng hoàn thiện các kỹ năng đó. Trẻ nhỏ còn là một “cỗ máy sao chép” mọi hành vi, thái độ và lời nói của những người xung quanh. Đó là một cách để con học hỏi từ cộng đồng, thích nghi với sự vận động của xã hội.
Như vậy, trẻ đã đủ nhận thức để biết điều gì đang diễn ra trong nội tại của con, cũng như những điều đang diễn ra xung quanh môi trường con sống. Điều trẻ cần là một sự giáo dục đúng đắn để chọn lọc những điều nên phát huy và những điều cần khắc phục. Sự giáo dục chọn lọc đó sẽ giúp trẻ hình thành nền tảng phát triển nhân cách và lối sống tốt đẹp trong hiện tại và tương lai.
Vai trò của cha mẹ đối với giáo dục nhân cách và lối sống cho con cái
Trong văn hoá của người Việt, gia đình có ảnh hưởng mạnh mẽ đến sự hình thành tính cách của mỗi người. Sự gắn bó giữa các thành viên trong gia đình thoả mãn nhu cầu được yêu thương, chăm sóc của trẻ nhỏ. Nền tảng của sự giáo dục trong gia đình được gây dựng bởi tình yêu thương, sự quan tâm, chia sẻ. Đây là điều mà chỉ có cha mẹ mới có thể dành cho con cái mình. Cha mẹ yêu thương con một cách lý trí sẽ biết mình cần làm gì để giúp con tạo dựng nhân cách tốt, lối sống lành mạnh.
Cha mẹ là đối tượng khiến trẻ luôn cảm thấy an toàn nhất khi ở bên. Quá trình chăm sóc, nâng niu giúp xây dựng những kết nối thiêng liêng giữa cha mẹ và con cái. Bởi vậy, khi con trẻ cần một chỗ dựa để dần hoàn thiện bản thân về cả thể chất và tinh thần, cha mẹ chính là bến bờ vững chãi đáng tin cậy nhất. Vai trò của cha mẹ trong việc giáo dục con cái có vị trí quan trọng, quyết định phần lớn đến kết quả con sẽ trở thành người như thế nào trong tương lai.
Sự hình thành nhân cách và lối sống cho trẻ bắt đầu từ khi trẻ mới lọt lòng cho đến ba tuổi. Đây là giai đoạn trẻ học hỏi rất nhanh chóng từ mọi người, mọi vật, mọi tình huống con tiếp xúc. Tốc độ hoàn thiện trong những năm đầu đời của trẻ như một chặng đua nước rút tiếp nối với quá trình thai kỳ trước đó. Mọi thứ ở con trẻ diễn ra liên tục khiến cho các cha mẹ cảm thấy bối rối, không kịp thích ứng với sự thay đổi của con.
Vậy, cha mẹ có thể bắt đầu từ những điều đơn giản mà bền vững nhất, đó là trở thành tấm gương tốt cho trẻ noi theo.
- Cha mẹ nên xây dựng những thói quen tốt để con được gieo những hạt mầm lành mạnh. Những thói quen tốt góp phần tạo ra nền tảng nhân cách tốt trong tương lai. Sự sao chép của con cái khi chung sống với cha mẹ chính là quá trình giao trồng những hạt mầm ấy.
- Cha mẹ nên chú ý đến cách nói chuyện, cách sử dụng ngôn từ kèm theo thái độ tích cực khi giao tiếp với con và những người xung quanh. Bởi trẻ nhỏ sẽ bị tổn thương và phản ứng tiêu cực khi sống trong một gia đình tràn ngập tiếng cãi vã, thiếu tôn trọng lẫn nhau. Nếu quá trình đó diễn ra trong nhiều năm, những tổn thương trong con sẽ ngày càng khó chữa lành, thậm chí khiến cho nhân cách trở nên méo mó.
- Thói quen ngủ sớm, ăn uống các thực phẩm tốt cho sức khỏe của cha mẹ cũng sẽ giúp trẻ khỏe mạnh hơn. Sự phát triển toàn diện về thể chất và trí tuệ đến từ chế độ sinh hoạt khoa học, lành mạnh. Việc duy nếp sinh hoạt đều đặn không chỉ đem lại ích lợi về mặt thể chất, trí lực; mà còn có tác dụng giúp trẻ rèn luyện tác phong kỷ luật. Đây cũng là yếu tố tạo nên nhân cách và lối sống có trách nhiệm với bản thân.
- Sự nhất quán giữa lời nói và hành động của cha mẹ rất quan trọng. Trẻ sẽ cảm thấy bối rối nếu cha mẹ ngăn cản con uống nước có ga, nhưng bản thân lại luôn sử dụng trước mặt con. Mỗi sự thay đổi nhỏ từ cha mẹ sẽ tạo nên một sự thay đổi lớn của con cái.
- Cha mẹ nên tôn trọng con như một người độc lập thay vì coi con là đứa trẻ không có quyền lựa chọn. Trẻ có suy nghĩ và lập trường riêng trong mỗi quyết định. Cha mẹ cần đặt lòng tin và trao quyền cho con trong những tình huống thích hợp. Trẻ sẽ không thể tạo dựng lối sống tự lập nếu chuyện gì cũng phụ thuộc vào cha mẹ giúp đỡ.
- Sự chia sẻ cảm xúc bằng đối thoại sẽ giúp cho mối liên kết giữa cha mẹ và con cái trở nên bền chắc hơn. Con cũng sẽ học được cách đồng cảm, sẻ chia với mọi người xung quanh. Điều này còn tác động tích cực đến khả năng sử dụng ngôn ngữ biểu đạt cũng như nâng cao trí thông minh cảm xúc của trẻ.
- Thái độ đúng mực của bố mẹ khi kính trên nhường dưới, kiên trì đọc sách mỗi ngày, bình tĩnh đối mặt với thất bại sẽ ảnh hưởng tích cực đến cách cư xử cũng như khả năng kiểm soát cảm xúc của con. Theo thời gian, trẻ sẽ được bồi dưỡng trở thành người có trách nhiệm với cá nhân, gia đình và xã hội.
Vai trò của cha mẹ hết sức quan trọng với sự hình thành nhân cách và lối sống cho trẻ. Giá trị cốt lõi của giáo dục đầu đời là tạo nên những công dân tốt trong tương lai, góp phần kiến tạo sự phát triển tích cực của xã hội. Bởi vậy, mỗi em bé đều là một nhân tố đặc biệt, mỗi cha mẹ đều là những người thầy vĩ đại nhất.
Lưu Việt An là một tác giả và chuyên gia tư vấn giáo dục với hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tư vấn tuyển sinh đại học và sau đại học. Ông đã tốt nghiệp Cử nhân Kinh tế tại Đại học Kinh tế Quốc dân và hiện là cố vấn chính cho một trung tâm tư vấn giáo dục hàng đầu tại Hà Nội. Lưu Việt An được biết đến như là người có đóng góp lớn vào việc giúp hàng nghìn học sinh và phụ huynh tìm ra con đường học tập phù hợp và thành công. Đọc tiếp!